Di động: 0388 616 200
Menu
Tin Nổi Bật

Những vườn sâm tiền tỷ được bảo vệ nghiêm ngặt

QUẢNG NAMNgười dân huyện Nam Trà My mua dây thép B40, đào hầm chông và ăn ngủ giữa núi rừng để bảo vệ, chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh.

 
 
 
Video Player is loading.
Hiện tại 0:12
/
Thời lượng 0:43
Đã tải: 0%
 
Tiến trình: 0%
 
 

Vườn sâm Ngọc Linh tiền tỷ của ông Lê Thanh Ân. Video: Đắc Thành.

Sáng ngày cuối tháng tư trời nắng như đổ lửa, ông Lê Thanh Ân, 41 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Linh, đeo ba lô lên vai rời nhà. Men theo con đường mòn quanh làng, ông cuốc bộ gần một giờ vượt qua những con dốc dựng đứng, đến vườn sâm hàng nghìn gốc nằm dưới tán rừng cổ thụ.

Quê xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, ông Ân đến Nam Trà My lập nghiệp vào năm 2015. Ban đầu ông dựng quán bán hàng tạp hóa cho người dân Xê Đăng. Ở với bà con lâu ngày, ông học hỏi được kinh nghiệm trồng sâm nên quyết định đầu tư mạo hiểm vào giống cây quý này.

Ông Lê Thanh Ân kiểm tra từng cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Lê Thanh Ân kiểm tra từng cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành.

Ông gom tiền mua lại khu rừng rộng 2 ha với giá 30 triệu đồng. Những ngày đầu, dưới tán rừng là đất đá ngổn ngang, cây tạp mọc khắp nơi, ông Ân phải thuê người dọn dẹp, cuốc đất tạo thành những luống mùn để trồng sâm. Ông kéo đường dây điện dài hơn 1,5 km từ nhà đến vườn, làm ống dẫn nước trên đỉnh núi xuống để tưới cây vào mùa nắng.

"Tính riêng chi phí thuê người cải tạo vườn sâm hết hơn 300 triệu đồng", ông nói.

Khoản đầu tư lớn hơn là tiền giống cây. Một hạt giống giá 110.000 đồng, cây sâm một tuổi 500.000 đồng, cây hai tuổi giá gấp đôi. Thời gian đầu, ông Ân bỏ tiền mua những cây sâm ba năm tuổi trở lên, mỗi cây khoảng 2 triệu đồng. "Tôi đầu tư cây lớn để sớm thu hoạch hạt, ươm tạo giống; có những cây đẹp mua giá hàng chục triệu đồng, trồng xuống đến mùa cho quả ngay, coi như lấy ngắn nuôi dài", ông Ân cho hay.

Khi vườn sâm dần hình thành, việc đầu tiên ông làm là mua gần một tấn lưới B40 và dây thép gai, thuê nhân công cõng lên rào vườn; rồi dựng lán trại 20 m2, ăn ngủ giữa rừng để chăm sóc, bảo vệ giống cây quý.

Sau sáu năm, vườn sâm của ông Ân đã có hàng nghìn cây, mỗi vụ thu hoạch vào tháng 8 hàng năm cho khoảng 15 lon (hộp sữa bò) hạt giống, trị giá 1,5 tỷ đồng. Ông ươm khoảng 10 lon hạt lấy giống, còn 5 lon bán lấy 500 triệu đồng.

Những ngày này, vườn sâm của ông Ân xanh mướt dưới tán rừng. Thời tiết đầu hè nóng 35 độ C nhưng ở đây luôn mát mẻ, không khí trong lành. Quanh vườn, ngoài hai lớp bảo vệ với lưới B40 và dây thép gai, chủ vườn còn đào hàng trăm bẫy chông cắm dày đặc và lắp đặt hai camera đề phòng kẻ xấu đột nhập trộm sâm. Ông Ân còn thuê hai nhân viên bảo vệ, canh giữ ngày đêm với tiền công 4 triệu đồng mỗi người một tháng.

Trong vườn, sâm được trồng theo luống trên mặt đất và trong thùng xốp, chậu nhựa. Hàng ngày, ông Ân đến từng luống để kiểm tra sâu bệnh, nếu hoa hoặc lá của bất cứ gốc cây nào có dấu hiệu vàng úa thì ông cùng nhân viên tìm cách xử lý ngay "vì mỗi cây đều tiền triệu"

"Trước đây người dân địa phương thường làm luống bằng đất mùn rồi trồng sâm, nhưng cách trồng này khiến cây dễ bị bệnh thối củ. Gần đây, chúng tôi cho mùn, đất vào thùng xốp trồng thử nghiệm cho năng suất cao", ông Ân nói và cho hay trồng trong thùng xốp nước thoát nhanh vào mùa mưa song mùa hè phải tưới nhiều hơn.

Hàng xóm của ông Ân, ông Đinh Văn Thà, 75 tuổi, mới trồng được vài trăm cây cho khu vườn của mình. Cũng như các hộ dân trong vùng, quanh vườn, ông Thà dùng lưới B40 rào hai lớp. Ông túc trực thường xuyên ở vườn vừa để chăm sóc cây, vừa canh giữ khối tài sản của gia đình.

"Thực phẩm hàng ngày của tối chủ yếu là rau rừng và cá khô mang từ nhà theo. Mùa nắng ở trong rừng đỡ cực, vì mát mẻ, song từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm, trời rét , nhiệt độ xuống 4 đến 10 độ C, tôi phải đốt bếp lửa suốt ngày đêm để chống rét", ông Thà nói.

Ông Định Văn Thà bên cây sâm hơn 5 tuổi đang cho hoa. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Định Văn Thà bên cây sâm hơn 5 tuổi đang cho hoa. Ảnh: Đắc Thành.

Những người trồng sâm như ông Thà sợ nhất là chuột rừng. Loài gặm nhấm này thường xuất hiện vào ban đêm, cắn phá gốc sâm, nhất là sâm non.

"Đến mùa cây cho quả, chỉ lơ là một chút là chúng tìm đến ăn sạch vườn, coi như phá sản. Vì vậy, vào mùa quả chín, tôi phải soi đèn canh giữ xuyên đêm", ông Thà nói và cho hay hàng trăm chiếc bẫy tự chế được ông đặt quanh vườn để bẫy chuột song "bắt không xuể".

Ngôi nhà hai tầng của ông Hồ Văn Du được xây dựng 3 tỷ đồng từ tiền bán sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành.

Ngôi nhà hai tầng của ông Hồ Văn Du được xây dựng 3 tỷ đồng từ tiền bán sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành.

Nghề trồng sâm giúp những người như ông Ân, ông Thà không những thoát nghèo mà còn trở thành tỷ phú. Tuy nhiên theo ông Hồ Văn Du, một trong những người trồng sâm lâu năm nhất ở thôn 2 (xã Trà Linh), "nghề này tuy cho thu nhập cao song rất rủi ro, vì đây là giống cây dễ bị tổn thương bởi mưa nắng, sâu bệnh".

"Mỗi khi thời tiết thất thường, cây sâm thường bị bệnh thối củ khiến chủ vườn có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đến nay chưa có thuốc nào trị được bệnh thối củ này, chỉ có cách kiểm tra thường xuyên và khi phát hiện thì nhổ bỏ cây sâm để tránh lây lan", ông nói.

Ngoài ra, trồng sâm đầu tư lớn và mất thời gian dài mới cho thu hoạch, nhưng nếu không canh giữ cẩn thận thì nguy cơ cao bị nhổ trộm. Năm 2013, ông Du từng bị kẻ xấu đột nhập nhổ trộm hàng trăm gốc. Từ đó, ông phải thuê bốn nhân viên bảo vệ, tiền công hết 30 triệu đồng mỗi tháng.

"Khách đến vườn thấy bên trong cây sâm xanh mướt, nhưng để có thành quả đó, người chủ phải trả giá bằng những năm tháng sống cô độc trong rừng sâu, chịu đựng nắng mưa, giá rét", ông Du nói thêm.

Có thể bạn quan tâm